Tác động Căn bệnh Hà Lan

Alan Greenspan (2008) cho rằng căn bệnh Hà Lan chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển do họ không được chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó. Nhưng ông này cũng cho rằng căn bệnh Hà Lan đã xảy ra ở Anh trong thập niên 1980 và ở Na Uy trong thập niên 1970, ở Nga hiện nay.[6] Thực tế là sự lên giá của Bảng Anh khi có nguồn thu ngoại tệ nhờ xuất khẩu khí đốt đã làm lên giá đồng tiền này khiến cho xuất khẩu nói chung của Anh giảm và làm thâm hụt tài khoản vãng lai tăng dẫn tới sự kiện đầu cơ vĩ mô của George Soros năm 1992 khiến Anh phải quyết định phá giá bảng Anh và không tham gia Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu nữa. Các nhà kinh tế còn chỉ ra nhiều quốc gia khác có thể đã bị căn bệnh Hà Lan.Tại Việt Nam, nhiều học giả cũng đặt câu hỏi liệu Việt Nam có bị nhiễm căn bệnh Hà Lan hay không trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Học giả Huỳnh Thế Du trong một bài viết cho rằng, Việt Nam đã bị nhiễm căn bệnh Hà Lan. Trong đó, ông cho rằng sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn FDI đổ vào nền kinh tế khá ồ ạt, trong khi khu vực trong nước đã từ bỏ việc tận dụng lợi thế, tập trung cho sản xuất kinh doanh sang đầu cơ tài sản. Chính vì vậy "căn bệnh Hà Lan" đã làm tổn hại nghiêm trọng sức cạnh tranh của khu vực sản xuất, với hậu quả hơn 50 ngàn doanh nghiệp phá sản trong năm 2012.